Theo Tào Tháo Quách Gia

Bên Tào Tháo có mưu sĩ là Hí Chí Tài hay giúp Tháo trù mưu hoạch sách nhưng chết sớm. Tào Tháo gửi thư hỏi Tuân Úc:"Từ sau khi Chí Tài chết đi chẳng có ai giúp ta tính việc. Vùng Nhữ, Dĩnh vốn nhiều kẻ sĩ giỏi, ai có thể kế nối được?". Tuân Úc tiến cử Quách Gia. Tào Tháo cho triệu kiến Quách Gia, nghị luận việc thiên hạ. Tào Tháo sau đó nói:"Khiến ta thành đại nghiệp, tất là người này". Quách Gia trở ra, cũng vui mừng nói:"Thực là người chủ của ta vậy"[1].

Phó tử chép: Tào Tháo hỏi Quách Gia:

Bản Sơ nắm giữ bộ chúng Ký Châu, Thanh Châu và Tinh Châu theo hắn, đất rộng binh cường, mà nhiều lần có hành vi không cung kính. Ta muốn đánh dẹp hắn, mà sức chẳng địch nổi, biết phải làm sao?"

Quách Gia đáp:

Cái hơn kém của Lưu, Hạng là điều mà công biết rõ vậy. Hán Cao Tổ chỉ hơn về trí; Hạng Vũ tuy mạnh, rút cục bị Lưu Bang bắt. Gia này trộm tính rằng, Viên Thiệu có 10 điều bại, chúa công (Tào Tháo) có 10 điều thắng, dẫu binh cường mạnh, cũng chẳng là gì.
  1. Thiệu đa lễ rườm rà; chúa công thuận lẽ tự nhiên, là thắng về đạo, là một.
  2. Thiệu hành động trái nghịch, chúa công thuận lẽ phải để thống quản thiên hạ, là thắng về nghĩa, là hai.
  3. Thời Hán mạt, chính sự trễ nải bởi khoan nhu, Thiệu lấy khoan hòa giúp khoan nhu nên chẳng thể trấn áp được; chúa công nắn sửa chính trị, lấy sự nghiêm khắc ràng buộc nên trên dưới biết pháp chế, là thắng về trị, là ba.
  4. Thiệu ngoài mặt khoan hòa trong lòng nghi kị, dùng người lại ngờ vực họ, chỉ tin dùng con em thân thích; chúa công bề ngoài giản dị dễ dãi nhưng trong lòng sáng suốt khéo léo, dùng người không hề ngờ vực, chỉ theo tài thích hợp mà dùng, chẳng kể thân sơ, là thắng về độ, là bốn.
  5. Thiệu nhiều mưu kế mà thiếu quyết đoán, về sau thường mắc sai lầm; chúa công có kế sách hay là thi hành ngay, ứng biến vô cùng, là thắng về mưu, là năm.
  6. Thiệu cậy gia thế nhiều đời, bàn chuyện lễ nghĩa cao siêu để lấy tiếng khen, kẻ sĩ thích nói lời tán tụng theo về đông; chúa công lấy sự chí tâm đãi người, theo lẽ thực mà làm, không vì tiếng khen hão, lấy sự kiệm ước làm gương cho kẻ dưới, với người có công thì không hề bủn xỉn, kẻ sĩ trung chính có tầm nhìn xa và thực tài đều nguyện chịu sự sai khiến, là thắng về đức, là sáu.
  7. Thiệu thấy người ta đói rét, vẻ thương xót lộ ra nét mặt, nếu không nhìn thấy thì cũng chẳng nghĩ đến, đấy là lòng nhân của đàn bà thôi; chúa công với những việc nhỏ trước mắt thường bỏ qua, đến lúc có việc lớn lại giúp khắp bốn bề, ân huệ ban ra vượt quá cả kỳ vọng, dẫu việc không nhìn thấy vẫn suy tính đầy đủ, không gì không chu toàn, là thắng về nhân, là bảy.
  8. Đại thần của Thiệu tranh đoạt quyền bính, lời sàm nịnh mê loạn; chúa công dùng đạo lý quản thuộc hạ, lời gièm pha ton hót không nghe, là thắng về minh, là tám.
  9. Thiệu chẳng biết phân biệt phải trái; chúa công với việc đúng đắn thì dùng lễ đối đãi, với việc sai trái thì dùng phép để trị, là thắng về văn, là chín.
  10. Thiệu thích phô trương thanh thế, không hiểu điều cốt yếu của binh cơ; chúa công lấy ít thắng nhiều, dụng binh như thần, quân lính được cậy nhờ, địch nhân sợ hãi, là thắng về võ, là mười[3].

Tào Tháo cười nói:

Như lời khanh nói, Cô (ta) có đức gì để thắng hắn.

Gia lại nói:

Thiệu mới lên bắc đánh Công Tôn Toản, ta nên nhân lúc hắn viễn chinh, sang đông đánh Lã Bố. Không đánh thắng Bố trước, nếu Thiệu đến đánh ta, Bố tất chi viện hắn, đấy là việc tai hại vậy[4].

Tào Tháo đồng ý với Quách Gia.